Chào mừng bạn đến với website hội đồng họ Hồ 

Chi tiết tin

A+ | A | A-

Độc đáo công trình sách ảnh "Họ Hồ ở Việt Nam - Di tích và Nơi thờ phụng"

Người đăng: SuperUser Account Ngày đăng: 20:12 | 13/12 Lượt xem: 819

(Kỷ lục - VietKings) Sau gần 6 tháng vượt trên 30.300km, đi xuyên qua 63 tỉnh thành của đất nước Việt Nam để chụp lại tất cả các di tích và nơi thờ phụng họ Hồ… Năm 2015, quyển sách ảnh "Họ Hồ ở Việt Nam – Di tích & Nơi thờ phụng" ra đời trong niềm hân hoan, vui sướng của những người con họ Hồ trên toàn cõi Việt Nam.

Sách dày trên 450 trang (4cm); kích thước : ngang 22,5cm x 30cm; nặng 3kg; in 4 màu trên giấy couche định lượng 100; bìa carton cứng (5mm). Nội dung sách gồm 1.068 bức ảnh di tích và nhà thờ họ Hồ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tất cả hình ảnh đều được chú thích rõ ràng về tên làng, xã, huyện, tỉnh; năm xây dựng nhà thờ; tên người đại diện tộc họ Hồ ở địa phương…

Sách đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Việt Nam trong tháng 10 năm 2017.

          Ban biên tập Cổng Thông tin Kỷ lục Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với ông Hồ Hoành, tác giả quyển sách xung quanh những vấn đề liên quan đến cuộc hành trình ấy. Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện thú vị này:

-         Thưa ông, xin ông cho biết đôi điều về tiểu sử bản thân?

Ông Hồ Hoành: Vâng, trước khi nói về bản thân tôi, tôi xin nói đôi điều về người bạn thân đã đồng hành cùng tôi trong suốt thời gianđi làm lịch sử gia tộc bằng hình ảnh. Người đó là anh Hồ Đức (đã qua đời năm 2009). Anh sinh năm 1944 tại Nghệ An, là một họa sĩ, nhà báo. Thân sinh anh là cụ Hồ Đức Lĩnh, một nhà giáo chân chính và cũng là dịch giả chữ Hán sang chữ Quốc ngữ rất uyên bác…

 

Ông Hồ Đức (phải) và ông Hồ Hoành đang xem lại những thành quả chuyến đi.
 

 

Còn tôi là Hồ Hoành, quê tôi ở xứ Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam – một địa danh cách mạng nổi tiếng trong nước, từng hứng chịu nhiều bom đạn chiến tranh và sự chiến đấu kiên cường bất khuất của con người nơi đây: “Nhất Củ Chi, nhì Gò Nổi”… Tôi sinh năm 1939, trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở xứ Quảng. Người sinh ra tôi là ông Hồ Hưng, nguyên là học sinh Trường Quốc tử giám ở Huế từ những năm đầu thế kỷ XX, sau đó đỗ đạt ra làm quan đến chức Tri phủ (trước năm 1945).

Sau Hiệp định Geneve – 1954, lúc 15 tuổi, tôi ra Huế học và sống tại đây suốt 21 năm. Tôi học ở các trường Nguyễn Tri Phương, Quốc Học và Đại học Khoa học - Huế. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi được giữ lại trường Đại học Khoa học làm Giảng nghiệm viên, rồi lên Giảng nghiệm trưởng - kiêm Trưởng Phòng thí nghiệm sinh học-thực vật cho đến năm 1975.

Sau năm1975, gia đình tôi chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, sinh sống bằng kinh doanh ngành nghề dệt may xuất khẩu đến năm 2000. Sau đó tôi dành nhiều thời gian cho việc sinh hoạt trong dòng tộc

 

Ông Hồ Hoành và tác giả bài viết
 

 

-         Nguyên nhân từ đâu ông nghĩ đến việc làm lịch sử dòng họ gia tộc bằng hình ảnh?

Ông Hồ Hoành: Quyển sách ảnh “Họ Hồ ở Việt Nam – Di tích & Nơi thờ phụng” ra đời từ ý tưởng và đề xuất của Ban Liên lạc họ Hồ tại TP.HCM, nhằm thực hiện một cuốn sách lịch sử họ Hồ bằng hình ảnh. Đây là một ý tưởng mới lạ, độc đáo chưa có một họ tộc  nào ở Việt Nam làm.

 

Quyển sách ảnh “Họ Hồ ở Việt Nam – Di tích & Nơi thờ phụng”
 

 

Để thực hiện kế hoạch này, ông Hồ Huy – Trưởng Ban liên lạc họ Hồ đã xung phong tài trợ mọi chi phí cho cuộc hành trình xuyên Việt tìm nguồn cội. Anh Hồ Đức và tôi được đề cử nhận nhiệm vụ lên đường chụp lại hình ảnh tất cả những di tích, nhà thờ họ Hồ trên khắp cả nước. Anh Hồ Đức là một họa sĩ, nhà báo, còn tôi là người biết chụp hình, sử dụng máy ảnh các loại (không chuyên). Sự phối hợp nhịp nhàng giữa tôi và anh Hồ Đức là sự phối hợp của những con người có công, tâm với tổ tiên, dòng tộc. Bên cạnh đóvấn đề tài lực là một yếu tố không thể thiếu để quyển sách ảnh ra đời như mong đợi của những người con họ Hồ thì đã có anh Hồ Huy lo toan.

-         Việc lên đường xuyên Việt để thực hiện hành trình tìm lại những tư liệu, di tích, nhà thờ Họ Hồ được tiến hành khi nào, cho biết những khó khăn, thuận lợi?

Ông Hồ Hoành: Phương tiện đi lại đã có, hành trang chuẩn bị đầy đủ… và chúng tôi lên đường xuyên Việt “tìm về cội nguồn dòng tộc” trong tâm trạng tươi vui, hớn hở vào ngày 9/9/2005. Chúng tôi có 5 đợt đi bằng xe hơi trên chặng đường dài tổng cộng 30.300km, trong 5 tháng 11 ngày (không kể các chuyến đi Côn Đảo, Phú Quốc, Cù Lao Chàm). Có nhiều thuận lợi trong các chuyến đi là nhờ ông Hồ Huy liên hệ với các Chi nhánh hãng Taxi Mai Linh trên cả nước, sẵn sàng chở chúng tôi đến những nơi chúng tôi yêu cầu. Ngoài ra, Ban Liên lạc họ Hồ ở các tỉnh, thành… nơi chúng tôi đến làm việc cũng sốt sắng, tận tình giúp đỡ, hướng dẫn chúng tôi trong việc ghi chép những tư liệu Gia phả, Sắc phong… liên quan đến các di tích, nơi thờ tự họ Hồ. Bà con nội ngoại họ Hồ ở mọi nơi đều vui mừng khi gặp và biết được mục đích việc làm của chúng tôi, họ ân cần chào đón và bịn rịn khi chia tay. Tôi và anh Hồ Đức đã làm việc với phương pháp rất khoa học để tiết kiện thời gian.

 

Ông Hồ Hoành đang tác nghiệp chụp hình các di tích, nhà thờ họ Hồ
 

 

Bên cạnh những thuận lợi, khó khăn mà chúng tôi gặp phải là, khi đến một di tích hoặc nhà thờ họ Hồ gặp thời tiết xấu như mây mù, mưa lớn… ảnh hưởng đến việc chụp hình thì bản thân tôi (phó nháy) phải làm thế nào để khắc phục, chụp cho được vài tấm khá tốt chứ không thể chờ cho trời quang mây tạnh hay để hôm khác quay trở lại chụp. Sau khi anh Hồ Đức mất năm 2009, một mình tôi đi thì trách nhiệm lại càng nặng nề hơn.

-         Lúc ở tuổi gần “thất thập cổ lai hy” (66 tuổi) ông mới vượt ngàn dặm đường, với hơn nửa năm “ngày đây mai đó” để chụp lại tất cả những di tích, nhà thờ họ Hồ, ông có thể tóm lược kể lại những chặng đường ông đã đi qua để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của mình đối với dòng họ?

Ông Hồ Hoành: Đúng vậy, dù lúc ấy tuổi tôi cũng đã khá cao nhưng có lẽ nhờ tổ tiên phù hộ nên sức khỏe của tôi cũng khá tốt, tôi vẫn dẻo dai đi từ Mũi Cà Mau đến Cột cờ Lũng Cú, không bỏ sót một tỉnh thành nào cả. Những tỉnh có nhiều di tích, nhà thờ họ Hộ nhất phải kể đến: Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thanh Hóa, Bình Định…

Trên bước đường rong ruổi, tôi đã sửng sốt trước cảnh đẹp của Hoa ban trắng xóa cả đồi núi ở Lai Châu, cảnh Bản Giốc đẹp mê hồn ở Cao Bằng… Tôi đã theo bước chân thần tốc của Vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ vào Rạch Gầm - Xoài Mút… ra Ngọc Hồi – Đống Đa… và những điểm dừng quân tại Tam Điệp, núi Đại Huệ… rồi ngậm ngùi khi đến Thiên Cầm (Hà Tĩnh), nơi vua Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt…

 

Thành Nhà Hồ qua ống kính của Hồ Hoành
 

 

Rõ ràng, đất nước ta giàu đẹp, dân tộc ta anh hùng, Tổ tiên các họ tộc Việt Nam nói chung, Tổ tiên họ Hồ nói riêng đã để lại cho chúng ta những trang sử vẻ vang, chói lọi, để lại nhiều di tích, di sản, nhà thờ… để con cháu hậu thế noi theo.

-         Những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc hành trình ý nghĩa ấy?

Ông Hồ Hoành: Kỷ niệm thì nhiều, rất nhiều… Tôi xin nêu ra đây một kỷ niệm về đức tin của những người con họ Hồ là: Trên đường từ Quang Trị ra Quảng Bình trời mưa rất to, tôi gọi điện thoại cho chị Trương Mỹ Phước (người con dâu họ Hồ) trong Ban liên lạc họ Hồ ở Quảng Bình: - “Trời mưa lớn thế này mình có đi đến các nhà thờ họ Hồ như dự định được không chị? – “Không sao đâu, anh cứ ra đây trời sẽ tạnh, tôi chờ anh ở chợ Đồng Hới”. Chị Phước cả tin trả lời như vậy.

Xe chúng tôi rời Quảng Trị, chạy gần tới Quảng Bình mưa tạnh dần và khi đến điểm hẹn thì trời tạnh hẳn. Lên xe, chị Phước buột miệng nói: “Anh thấy không, trời tạnh là do tổ tiên mình phù hộ cho những người có công tâm với dòng họ gia tộc đấy ạ!”. Tôi im lặng, sự im lặng thấu hiểu về yếu tố tâm linh đã giúp con người tiên đoán ra được sự thay đổi của thời tiết, khí hậu…

-         Là người trí thức mang họ Hồ, một Họ tộc tồn tại ở Việt Nam hơn 1.000 năm qua, chắc ông nắm vững gốc tích dòng họ mình để kể lại cho mọi người cùng biết chứ?

Ông Hồ Hoành: Vâng, tôi đã đọc được nhiều sách vở, tài liệu lịch sử về họ Hồ ở Việt Nam nên biết được rằng:  Nguyên tổ họ Hồ Việt Nam là Hồ Hưng Dật, ông là người Chiết Giang, đỗ Trạng Nguyên thời Hậu Hán (947 - 951). Sau đó sang Giao Châu, ông là người quen với Đinh Công Trứ, thân sinh Đinh Bộ Lĩnh. Khi Đinh Bộ Lĩnh dấy quân dẹp loạn 12 Sứ quân, có đến gặp ông, thăm dò xem ông có tham gia dấy quân không. Ông có góp ý với Đinh Bộ Lĩnh về kế hoạch dẹp loạn sứ quân. Còn việc tham gia dấy binh thì ông thổ lộ với Đinh Bộ Lĩnh là mới lưu lạc đến đây, chỉ xin “vạn đại vi dân” (theo Hồ tộc phả ký của Hồ Sĩ Phôi). Thế là sau một cuộc Nam tiến từ đất Chiết Giang xưa là Ngô Việt nằm trong địa bàn Bách Việt, để tránh Hán hoá, ông đã đến xứ sở Lạc Việt, hoà nhập với cộng đồng người Việt. Ông lo việc cày ruộng, chiêu mộ dân phiêu tán, lập ấp trại. Gốc của họ Hồ là ở đất Bào Đột (xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) với hai tông phái. Một tông phái ở châu Diễn (trưởng) và một ở Thanh Hóa (thứ). Và cháu 15 đời của tổ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật có: Hồ Quý Ly, Trạng nguyên Hồ Tông Thốc, Quản lĩnh hầu Hồ Hân, Hoan quận công Hồ Nhân và cháu 27 đời có hoàng giáp Hồ Sĩ Đống, nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Tư nhân hầu Hồ Phi Tử và anh hùng dân tộc: vua Quang Trung (tức Hồ Thơm - Nguyễn Huệ).

Vào thế kỷ XVII, có ông Hồ Sĩ Dương (1621 – 1681) là người đầu tiên viết “Hồ tông thế phả”. Đây là cuốn gia phả đầu tiên và quý nhất của họ Hồ. Gần đây, có ông Hồ Sĩ Giàng và ông Hồ Bá Hiền đã sưu tầm và công bố nhiều tài liệu có giá trị về họ Hồ. Hiện nay, Ban Sử họ Hồ đang hoàn thiện cuốn Lịch sử họ Hồ Việt Nam để chuẩn bị xuất bản. Đền thờ Nguyên tổ họ Hồ được các vua Hồ (Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương) xây cất ở nơi ông lập nghiệp (hương Bào Đột) vào năm Quý Mùi (1403) niên hiệu Khai Đại thứ nhất. Đây là một ngôi đền lớn với kiến trúc Trần Hồ, chẳng những là di sản văn hoá có giá trị của Nghệ An, mà của cả nước.

 

Ông Hồ Hoành đang dâng lễ tại nhà thờ họ Hồ
 

 

Hơn một nghìn năm từ khi nguyên tổ Hồ Hưng Dật định vị ở Giao Châu, con cháu họ Hồ (đến nay hơn 40 đời) đã tiếp thu giáo huấn của nguyên Tổ, phấn đấu làm tròn nhiệm vụ công dân nước Việt…

-      Vừa qua, có tin vui là cuốn sách ảnh “HỌ HỒ Ở VIỆT NAM – DI TÍCH & NƠI THỜ PHỤNG” đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Sách ảnh về Di tích, nhà thờ gia tộc Họ Hồ có số lượng ảnh nhiều nhất”. Ông hãy cho biết một chút cảm tưởng của mình và những người thân?
Ông Hồ Hoành: Sách ảnh “HỌ HỒ Ở VIỆT NAM – DI TÍCH & NƠI THỜ PHỤNG” đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Sách ảnh về Di tích, nhà thờ gia tộc có số lượng ảnh nhiều nhất” là điều làm tôi và gia đình cũng như những người thân họ Hồ vô cùng vui mừng. Chúng tôi chân thành cảm ơn Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã có những đánh giá khách quan, chính xác về những thành quả mà tôi đã dành nhiều thời gian và công sức để hoàn thành. Tôi thực sự mãn nguyện vì cuối đời mình đã để lại cho dòng tộc, họ hàng một quyển sách lịch sử về hình ảnh mang nhiều ý nghĩa này

-         Một điều không thể thiếu và không thể nhắc đến là, ngoài công sức của ông và gia đình, còn có những ai tài trợ, hỗ trợ cho việc hoàn thành cuốn sách ảnh có một không hai này?
Ông Hồ Hoành: Có tâm, có công sức mà không có tiền thì cũng không làm nên được cuốn sách đòi hỏi nhiều tốn kém này. Người đầu tiên tôi muốn nhắc đến và vô cùng biết ơn là ông Hồ Huy – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh – Trưởng ban Liên lạc họ Hồ tại TPHCM là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện cuốn sách đã tài trợ toàn bộ chi phí cho chuyến đi và chi phí in ấn, phát hành quyển sách.

 

Ông Hồ Huy – nhà tài trợ cho chuyến đi và in ấn phát hành sách ảnh
 

 

Tất cả là những khoản chi khá lớn mà bằng tâm huyết, ông Hồ Huy đã không do dự khi tài trợ. Tấm lòng của ông thể hiện qua bài viết “Lời Nhà tài trợ” được đăng ở phần cuối quyển sách ảnh nói trên.

Người thứ hai tôi muốn đề cập đến là bà Ngô Thị Hường - người bạn đời của tôi, con dâu nhà họ Hồ. Không những đồng ý chuyến đi của tôi, bà còn khuyến khích, động viên tôi nhiều trong công việc, bà ấy là niềm tin tất thắng và sự thành công của tôi.

Ông Hồ Hoành và bạn đời của mình bên cuốn sách
  Sắp tới ông có những dự tính gì về lĩnh vực nhiếp ảnh để hướng về cội nguồn gia tộc và những mục đích khác?
Ông Hồ Hoành:
 Trong thời gian xuyên Việt chụp ảnh di tích, nhà thờ cho dòng tộc, với sở thích săn tìm ảnh lạ, ảnh cảnh đẹp 3 miền đất nước Việt Nam, ảnh chùa, tháp, ảnh sinh hoạt của người dân…, tất cả đều muôn màu, muôn vẻ. Có những ảnh đẹp đến lạ lùng… đều được tôi ghi lại, chụp lại để lưu giữ trong kho tàng ảnh nghệ thuật của tôi.
Ở tuổi tiệm cận “bát thập”, hiện nay tôi có nhiều ảnh tư liệu khá quý và trong nay mai, tôi sẽ tìm cách khai thác chúng, sao cho hiệu quả, có ích cho mọi người. Tôi cám ơn Ban biên tập Trang kyluc.vn đã giúp tôi hiện diện trên trang báo để nói lên những những tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của mình đối với dòng tộc họ Hồ.
Chân thành cám ơn ông! Kính chúc ông và gia đình luôn mạnh khỏe, đầm ấm, hạnh phúc.

Tác giả: Trương Như Bá - Kyluc.vn

Các tin cũ hơn: